Vụ việc tranh chấp thừa kế theo pháp luật

TÓM TẮT VỤ KIỆN

Ngày 25/5/2010, Tòa án Nhân dân Tỉnh Bến Tre đưa vụ kiện về “Thừa kế quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở” giữa nguyên đơn là Bà Lữ Thị Tuyết Nhung và bị đơn là bà Nguyễn Thị Cửu ra xét xử sơ thẩm.

Nguyên đơn căn cứ vào Tờ Di chúc được lập của ba mẹ là Ông Lữ Văn Xền và Bà Phạm Thị Đầy lập trao quyền thừa kế căn nhà tại XX Châu Thành Bến Tre cho Bà Lữ Thị Tuyết Nhung. Vì vậy, nguyên đơn khởi kiện yêu cầu Bà Cửu (là chị dâu trong gia đình) giao căn nhà thừa kế cho Bà theo như di chúc đã lập và tòa án tuyên chấp nhận yêu cầu của Nguyên đơn theo bản án án số 07/2010/DS – ST ngày 25/05/2010.

Sau khi nhận được yêu cầu bảo vệ quyền lợi của Bà Nguyễn Thị Cửu – bị đơn trong vụ kiện – LS Đinh Thị Quỳnh Như đã nghiên cứu hồ sơ và đưa ra quan điểm bảo vệ quyền lợi của Bà Cửu trên cơ sở xác định Di Chúc không có hiệu lực.

BÀI PHÁT BIỂU BẢO VỆ QUYỀN LỢI CỦA LUẬT SƯ ĐINH THỊ QUỲNH NHƯ

TẠI TÒA PHÚC THẨM – TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO NGÀY 23/7/2010.

Kính thưa Hội đồng xét xử!

Tôi – Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như – Luật sư thuộc Đoàn Luật sư Tp. Hồ Chí Minh – tham gia vụ kiện với tư cách là Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Nguyễn Thị Cửu, xin được phép trình bày quan điểm bảo vệ của mình như sau:
Đối với vụ kiện này tôi thiết nghĩ, nguyên đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và Hội đồng xét xử đều có chung một mong muốn là làm sao để sáng tỏ nguyện vọng thật sự của người đã chết, để ý nguyện của họ được tôn trọng, thực hiện và định đoạt phù hợp với quy định của pháp luật.
I. GIÁ TRỊ PHÁP LÝ CỦA TỜ DI CHÚC:
Vấn đề mấu chốt trong vụ kiện này là “Giá trị pháp lý” của Tờ Di chúc được cho là của Ông Lữ Văn Xền và Bà Phạm Thị Đầy được lập ngày 16/01/1998, UBND xã xác nhận chữ ký của người làm chứng là Ông Huỳnh Trí Lâm ngày 23/01/1998 và được Phòng Công chứng nhà nước Tỉnh Bến Tre chứng nhận ngày 09/02/1998.
Căn cứ vào các quy định pháp luật về Di chúc thì Tờ Di chúc này hoàn toàn không có giá trị pháp lý.
1. Vi phạm quy định về “Di chúc bằng văn bản có người làm chứng” tại Điều 659 Bộ Luật Dân sự năm 1995.
“trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc, thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất hai người làm chứng. Người lập Di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào di chúc trước mặt người làm chứng; người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc”.
Như vậy,  trong Di chúc này chỉ có 01 người làm chứng là ông Huỳnh Trí Lâm là làm chứng cho chữ ký của Ông Xền và Bà Đầy. Còn những người làm chứng khác không xác nhận chữ ký của người lập di chúc và họ cũng không xác nhận chữ ký theo đúng quy định pháp luật. Cụ thể là theo xác nhận của UBND xã Tân Thạnh thì chỉ xác nhận chữ ký của Ông Huỳnh Trí Lâm.
Tóm lại Di chúc này vi phạm quy định về “Di chúc bằng văn bản có người làm chứng”
2. Vi phạm quy định về “Thủ tục lập Di chúc tại Công chứng nhà nước hoặc UBND xã phường” được quy định tại Điều 661 Bộ Luật Dân sự năm 1995.
Điều luật này quy định, người lập di chúc tuyên bố nội dung di chúc trước mặt công chứng viên, công chứng viên ghi chép lại nội dung mà người lập di chúc đã tuyên. Người lập di chúc ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc sau khi xác nhận Di chúc đã được ghi chép chính xác và đúng ý nguyện của mình.
Trong trường hợp người lập Di chúc không đọc được hoặc không nghe được bản di chúc, không ký hoặc không điểm chỉ được thì phải nhờ người làm chứng và người này phải ký xác nhận trước mặt công chứng viên.
Theo quy định trên đây thì di chúc của Ông Xền và Bà Đầy vi phạm nghiêm trọng. Cụ thể là: Di chúc này được lập có Công chứng viên xác nhận nhưng Công chứng viên không phải là người ghi chép lại ý nguyện của Ông Xền, Bà Đầy mà ý nguyện này do người khác ghi chép trước đó 23 ngày. Chắc gì ý nguyện này là của Ông Xền, Bà Đầy lúc minh mẫn và tự nguyện khi họ không ký trước mặt công chứng viên như Luật đã quy định. Việc ký cách nhau 23 ngày là hoàn toàn trái quy định pháp luật. Ngoài ra, 23 ngày đối với người ở độ tuổi 82, 83 như Ông Xền và Bà Đầy có thể thay đổi cả hiện trạng sức khỏe tinh thần và ý định. Ai chứng minh được họ lập di chúc trong trạng thái “minh mẫn, sáng suốt khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép” như Khoản 1 Điều 655 Luật Dân sự quy định về Di chúc hợp pháp. Dựa vào đâu mà Công chứng viên Bùi Trọng Tâm cho rằng “việc lập di chúc là việc lập di chúc là việc làm tự nguyện của Ông Xền và Bà Đầy” khi Ông hoàn toàn không chứng kiến họ lập Di chúc, không gặp mặt họ, chỉ biết là họ có thông qua địa phương. Trong khi, Luật hoàn toàn không quy định lập di chúc phải thông qua địa phương.  Làm sao Ông Tâm biết rằng Ông Xền và Bà Đầy tự nguyện khi ký vào Di chúc này khi họ ký ở một nơi nào đó mà ông cũng không biết và không chứng kiến.
3. Vấn đề về sức khỏe tinh thần của người lập Di chúc:
Người lập Di chúc ký vào Di chúc ngày 16/01/1998 nhưng Giấy khám sức khỏe lại lập ngày 24/01/1998. Như vậy, di chúc được lập trước ngày khám sức khỏe. Điều này không đảm bảo về mặt thời gian. Ngoài ra, Giấy khám sức khỏe này không phải là Giấy khám sức khỏe dành cho việc lập Di chúc. Giấy khám sức khỏe cho việc lập Di chúc phải được “khoa sức khỏe tâm thần” xác nhận. Trong khi đó, hai giấy khám sức khỏe lưu tại Hồ sơ đều là Giấy khám sức khỏe bình thường, không ghi nhận đủ minh mẫn để làm Di chúc. Trong khi đó ở độ tuổi này Ông Xền và Bà Đầy đang đau ốm nặng, tuổi còn không nhớ nổi (di chúc ghi sai tuổi của ông bà vì lẽ ra ở thời điểm này Ông xền là 84 và bà Đầy là 82), ông điếc nặng đến mức không thể giao tiếp được bình thường với con cháu trong nhà. Giấy khám sức khỏe lại ghi chung chung, không đúng hiện trạng và không ghi nhận khả năng nhận thức của Ông Bà.
Dựa vào những vấn đề trên, cho thấy Di chúc của Ông Xền và Bà Đầy là không có hiệu lực pháp luật vì đã vi phạm rất nhiều Điều luật quy định về việc lập Di chúc. Vì vậy, việc Tòa án Tỉnh Bến Tre căn cứ vào Di chúc không có hiệu lực để xét xử đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của Bà Nguyễn thị Cửu.
II. HIỆU LỰC CỦA GIẤY ỦY QUYỀN:
Ngoài vấn đề về hiệu lực của Di chúc như tôi đã nêu trên đây thì trong Hồ sơ có một vấn đề mà theo tôi là cần phải xem xét lại. Đó là hiệu lực của 02 giấy ủy quyền của Lữ Thị Tím và Lữ Thị Nga đã lập.
Theo hồ sơ được lưu thì Bà Lữ Thị Tuyết Nhung tham gia trong vụ kiện với tư cách là người được Bà Lữ Thị Tím và Lữ Thị Nga ủy quyền. Giấy ủy quyền của Bà Tím được lập ngày 20/11/2009 và Giấy ủy quyền của Bà Nga lập ngày 11/12/2002 tại UBND xã Tân Thạnh.
Trong khi đó, theo quy định tại Điều 23, Điều 24 Nghị định số 75/2000/ NĐ – CP quy định về Công chứng chứng thực thì UBND cấp xã không được quyền lập Giấy ủy quyền mà chỉ có Phòng Công chứng hoặc UBND cấp huyện mới có thẩm quyền lập Giấy ủy quyền. Trên thực tế, những trường hợp UBND cấp xã chứng thực Giấy ủy quyền tham gia tố tụng đã có kiến nghị thu hồi và đề nghị liên hệ UBND cấp Huyện hoặc Phòng Công chứng để lập ủy quyền theo Luật định. Như vậy, Giấy ủy quyền của Bà Nhung và Bà Nga lập là chưa đáp ứng về mặt thẩm quyền. Việc Tòa án Tỉnh Bến Tre chấp nhận Giấy ủy quyền và cho phép Bà Nhung tham gia vụ kiện với tư cách là người đại diện là trái quy định pháp luật
Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết những việc sau đây:
1. Tuyên di chúc của Ông Xền và Bà Đầy là không có hiệu lực. Xác định chia di sản thừa kế của Ông theo pháp luật.
2. Cho Bà Cửu và con trai được tiếp tục ở trong căn nhà nêu trên vì họ là những người trực tiếp sinh sống, quản lý căn nhà đó từ khi Ông Xền và Bà Đầy còn sống đến giờ.
Kính mong Tòa án xem xét và có phán quyết hợp tình hợp lý, phù hợp quy định pháp luật cũng như ý nguyện thật sự của người đã chết.
Chân thành cảm ơn Quý Tòa đã lắng nghe bài phát biểu của tôi.
Luật sư Đinh Thị Quỳnh Như

 

Sau khi kết thúc phần tranh luận, Hội đồng xét xử vào nghị án và tuyên hoãn phiên Tòa để làm rõ các vấn đề liên quan đến vụ kiện.

Văn phòng Luật sư Thiên Tâm sẽ cập nhật kết quả vụ kiện khi phiên Tòa được tiếp tục.

 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *