1. Em gái tôi ở nước ngoài muốn nhường phần thừa kế lại cho tôi thì phải làm sao?
Chị em tôi có chung phần thừa kế tài sản của cha tôi, giờ em gái tôi đang định cư ở nước ngoài muốn nhường phần thừa kế cho tôi, vậy cần những giấy tờ, thủ tục gì? Rất mong các luật sư giúp đỡ?
Trả lời:
Chào bạn! Đối với vấn đề bạn hỏi, tôi tư vấn bạn như sau: Nếu trong trường hợp chỉ có hai chị em bạn là người thừa kế tài sản của cha bạn để lại thì theo Điều 642 Bộ luật Dân sự thì người được thừa kế có quyền từ chối nhận di sản thừa kế trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình với người khác. Việc từ chối nhận di sản phải được lập thành văn bản. Thời hạn từ chối nhận di sản là 6 tháng kể từ ngày mở thừa kế (ngày người để lại di sản thừa kế chết). Với quy định trên thì bạn hoàn toàn có thể làm giấy từ chối hưởng di sản thừa kế, được cơ quan đại diện ngoại giao tại nước ngoài xác nhận. trong trường hợp thời hạn 06 tháng đã trễ, bạn có thể làm thủ tục Thỏa thuận phân chia di sản. bạn có thể liên hệ chúng tôi để hướng dẫn chi tiết nếu bạn rơi vào trường hợp này
Hoangjaco
2. Tư vấn việc tranh chấp thừa kế
Tôi khởi kiện ra tòa để tranh chấp thừa kế tài sản do ba tôi mất để lại, nếu trong trường hợp tôi dành phần thắng kiện nhưng bên bị khởi kiện không chấp nhận quyết định của tòa án thì tòa án có ra quyết định cưởng chế phần tài sản tranh chấp không? Nếu trong trường hợp tôi ủy quyền cho một luật sư nào đó thì luật sư sẽ lo và giải quyết mọi việc dùm tôi từ A-Z có đúng không? Cho tới khi tôi nhận được phần thừa kế? Và tôi chỉ phải cung cấp địa chỉ chính xác tài sản đang tranh chấp đúng không? Mong LS tư vấn dùm, xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Chào bạn! Nếu trong trường hợp bản án đã có hiệu lực pháp luật mà bên phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì bạn có thể nộp đơn đến cơ quan thi hành án yêu cầu thi hành bản án tòa án đã tuyên. Thời hiệu yêu cầu thi hành án là 5 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Hết thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày kể từ ngày người phải thi hành án nhận được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án (khoản 1 Điều 45 của Luật thi hành án), người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành thì bị cưỡng chế. Trong trường hợp bạn muốn ủy quyền cho luật sư đại diện bạn tham gia trong việc yêu cầu thi hành án thì bạn có thể liên hệ với chúng tôi để được hướng dẫn cụ thể bởi tùy từng Luật sư sẽ tư vấn và có dịch vụ khác nhau nhưng nói chung, nhiệm vụ của chúng tôi là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng.
Trân trọng.
3. Nợ này trách nhiệm của ai đây
Kính chào luật sư !
Tôi có cho một người em vay 5 chỉ vàng 24k, nhưng không làm giấy, sau một thời gian, người em tôi âm thầm cho một người anh bà con vay lại rồi bảo tôi ghi sổ nợ cho người anh, tôi cũng nghĩ tình và ghi sổ nợ cho người anh người anh cũng ký, nhưng rồi người anh không trả, vậy tôi có thể lấy nợ ở người em được không ?
Trả lời:
Chào bạn! Đối với vấn đề bạn hỏi, tôi tư vấn bạn như sau: Theo điều 471 Bộ luật Dân sự qui định: “Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có qui định”. Mặt khác, theo điều 163 Bộ luật dân sự thì tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản. Như vậy, căn cứ các qui định của Bộ luật Dân sự nêu trên, hợp đồng vay tài sản của các tổ chức, cá nhân khác (không phải là tổ chức tín dụng) thì không bắt buộc phải được thể hiện bằng văn bản. Đối với trường hợp của bạn thì vẫn có thể đòi số nợ mà người em bạn đã vay nếu bạn chứng minh được có sự việc vay tài sản xảy ra giữa bạn và người em bằng cách người em thừa nhận có vay tài sản của bạn hoặc có người làm chứng… Trong trường hợp này, bạn có thể gửi đơn đến UBND xã, phường để yêu cầu hòa giải. Nếu tại buổi hòa giải mà người em thừa nhận có vay tài sản của bạn, thì căn cứ vào biên bản hòa giải bạn có thể gửi đơn đến Tòa án nhân dân nơi người em cư trú để yêu cầu giải quyết (nếu hòa giải không thành).
4. Điều kiện để được quyền nuôi con sau ly hôn
Xin chào LS,
Nhờ LS tư vấn giúp em những điều sau:
Cuộc sống hôn nhân của vợ chồng em không đạt được mục đích, bây giờ chúng em muốn chia tay thì làm thủ tục thế nào? Đơn xin ly hôn chúng em tự viết hay phải xin ở tòa án? Chúng em cưới nhau được hơn 2 năm, từ khi sinh con đến giờ em không đi làm, con em được 14th, vậy khi ly hôn em làm sao để có thể được quyền nuôi con? Tất cả những thỏa thuận về việc nuôi con, phân chia tài sản…chỉ cần ghi vào đơn thuận tình ly hôn và có cả chữ ký của vợ và chồng là tòa sẽ theo đó mà giải quyết hay em còn cần phải có tờ cam kết nào khác nữa? Và liệu với tờ đơn thuận tình ly hôn này thì khi ra tòa một trong hai bên còn có thể thay đổi những thỏa thuận đã ký không?
Rất mong nhận được hồi âm của LS.
Xin chân thành cảm ơn.
Trả lời:
Chào bạn! Trước tiên tôi khuyên bạn nên suy nghĩ thật kĩ. Một khi đã đưa ra toà án giải quýêt thì rất khó có thể hàn gắn hạnh phúc gia đình. Đối với vấn đề bạn hỏi, tôi tư vấn bạn như sau: Đơn yêu cầu công nhận việc thuận tình ly hôn (hai người cùng đứng đơn xin thuận tình ly hôn, còn gọi là việc dân sự), bạn có thể đánh máy hoặc viết tay đều được nhưng phải thể hiện đầy đủ nội dung chính theo Điều 312 Bộ luật Tố tụng dân sự như sau: Ngày, tháng, năm viết đơn; tên tòa án có thẩm quyền giải quyết đơn; tên, địa chỉ của người yêu cầu; những vấn đề cụ thể yêu cầu tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu tòa án giải quyết việc dân sự đó; tên, địa chỉ của những người có liên quan đến việc giải quyết đơn yêu cầu, nếu có; các thông tin khác mà người yêu cầu xét thấy cần thiết cho việc giải quyết yêu cầu; người yêu cầu phải ký tên hoặc điểm chỉ vào phần cuối đơn. Mặt khác, theo điều 90, 92 Luật Hôn nhân và gia đình quy định trong trường hợp hai vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại tòa án không thành, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trong nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận về tài sản và con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con; nếu không thỏa thuận được hoặc tuy có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì tòa án quyết định. Trong trường hợp khi ra Tòa, một trong hai bên hoàn toàn có thể thay đổi ý kiến so với những gì mình đã ký trong đơn trong phạm vi pháp luật cho phép.
Trân trọng.
5. Thủ tục nhận lại con
Tối sống chung với 1 phụ nữ từ năm 2001, không đăng ký kết hôn và có 1con chung sinh vào tháng 9/2002. Tôi đi Mỹ định cư, mẹ đứa bé đã làm giấy khai sinh (không cha) cho cháu. Sau đó do không có điều kiện nuôi dưỡng đã gửi con cho chị ruột của tôi nuôi, và làm thủ tục cho con. Chị tôi đã làm Giấy khai sinh mới cho bé, tên cha bỏ trống, mẹ là tên của chị tôi (chị tôi không có chồng). Hơn 6 năm nay, gia đình hoàn toàn không có tin tức gì về mẹ ruột của bé.
Tôi muốn hỏi: Thủ tục nhận lại con của tôi thực hiện như thế nào? Chị ruột của tôi sẳn sàng xác nhận và trả lại con cho tôi.
Trường hợp nếu liên hệ được với mẹ ruột của bé (đã mất liên lạc hơn 6 năm) có thuận lợi hơn không? hay nếu mẹ ruột của bé trở về đòi con thì ai sẽ giải quyết? Hậu quả pháp lý như thế nào?
Mục đích cuối cùng và duy nhất là tôi muốn nhận lại con, làm giấy khai sinh lại cho bé để bảo lãnh bé ra nước ngoài. Hiện tôi vẫn chưa kết hôn.
Kính chào và mong sự giúp đỡ.
Trả lời:
Chào bạn! Đối với vấn đề bạn hỏi, tôi tư vấn bạn như sau: Theo Nghị định số 68/2002/NĐ-CP của Chính phủ thì việc nhận cha-con chỉ được tiến hành nếu tại thời điểm nộp hồ sơ bên nhận và bên được nhận đều còn sống. Vì vậy, nếu như bạn muốn nhận lại con thì bạn phải đến Sở Tư pháp cấp tỉnh nơi người con đang thường trú để làm thủ tục nhận con theo quy định. Hồ sơ xin nhận cha, mẹ, con gồm các giấy tờ sau đây:
a) Đơn xin nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định;
b) Bản sao Giấy chứng minh nhân dân (đối với công dân Việt Nam ở trong nước), Hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế (đối với người nước ngoài và công dân Việt Nam ở nước ngoài) của người nhận và người được nhận là cha, mẹ, con;
c) Bản sao Giấy khai sinh của người được nhận là con trong trường hợp xin nhận con; của người nhận cha, mẹ trong trường hợp xin nhận cha, mẹ;
d) Giấy tờ, tài liệu hoặc chứng cứ (nếu có) để chứng minh giữa người nhận và người được nhận có quan hệ cha, mẹ, con (ví dụ: thư, ảnh, băng đĩa hình, kết quả giám định về y học … ).
đ) Bản sao Sổ hộ khẩu hoặc Giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể (đối với công dân Việt Nam thường trú ở trong nước);
Thẻ thường trú (đối với người nước ngoài thường trú tại Việt Nam) của người được nhận là cha, mẹ, con.
Vì đứa bé hiện đang là người chưa thành niên nên việc nhận lại cha cho con phải có sự đồng ý của chị ruột bạn hiện đang đứng tên mẹ của đứa bé trên giấy khai sinh. Nếu con bạn chưa thành niên nhưng đã từ đủ chín tuổi trở lên thì việc xin nhận cha cho con còn phải có sự đồng ý của bản thân người con đó. Nếu sau này có phát sinh tranh chấp giữa bạn với người đã sinh ra cháu thì TAND cấp tỉnh sẽ thụ lý giải quyết. Thân chào và chúc bạn hoàn thành thủ tục để nhận lại con trong thời gian sớm nhất!
Trân trọng.